Lạ là dòng sông không hướng về biển mà lại hướng về phía trên, như thể nó dùng dằng cho một cuộc từ ly buồn. Tiếng sáo cứ vang lên trộn cùng tiếng gió, cả tiếng nước chảy và trong đó như có nỗi buồn của phận người.

Ai cũng tìm cách về thành phố để sống còn Phong lại chọn miền núi heo hút này làm rẫy. Chắc chắn không phải vì anh muốn làm giàu bởi ở miền đất khắc nghiệt này, chỉ có những loại cây trái thông dụng như chuối, mít, bưởi, chôm chôm… mới sống nổi. Chưa kể chuyện trồng trọt lại lệ thuộc vào những cơn mưa của đất trời, thu hoạch để bán chẳng được bao nhiêu tiền.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Phong trồng rất nhiều hoa, nào là hoa giấy, hoa sim, hoa huỳnh anh… và cả những cây đậu anh đào. Phong nuôi một bầy gà rừng và đó trở thành nguồn sinh lợi của anh. Khách đến vùng núi buồn tênh này luôn bị thu hút bởi nơi Phong ở - có hàng rào đan bằng cây rừng, trước cổng trồng rất nhiều hoa điệp vàng. Họ tới ngắm hoa, ăn những món đặc sản nướng và ngủ trên những chiếc võng bên dưới những mái tranh, giữa đất trời lộng gió thơm mùi cây cỏ. Phong chỉ có một mình. Mãi sau này anh mới thuê người giúp việc vừa là đầu bếp, vừa chăm sóc khách.

Tiếng sáo của Phong làm tôi chú ý. Nơi vùng đất này, tiếng sáo của anh cứ loang ra, đọng trên những chiếc lá, đọng trên từng tảng đá. Tôi tò mò về anh. Dường như anh có một bí mật. Tôi nhớ ai đó đã từng nói rằng mỗi con người là 1 cuốn truyện. Họ riêng biệt và độc nhất. Muốn khám phá họ là điều không đơn giản.

***

Tôi làm việc ở trung tâm y tế xã. Nơi đây chủ yếu phát thuốc cho người nghèo, thỉnh thoảng trở thành điểm tập trung cho các đoàn khám bệnh miễn phí hoặc các đơn vị phát quà từ thiện. Cả trung tâm chỉ có 2 người, tôi và Giang lo mọi việc. Nơi này chẳng có đủ cơ sở vật chất cho mọi người, chỉ là sơ cứu những tai nạn nhỏ, cấp các loại thuốc thông thường. Các em sinh viên mới ra trường chỉ đến làm việc được vài tháng rồi cũng tìm cách về huyện hoặc về thành phố, bởi như họ nói: ở đây buồn lắm. Quả thật ở đây rất buồn. Đất trời chỉ có nắng và mưa, chỉ có tiếng gió gào và tiếng con suối trôi chảy. Thỉnh thoảng, Phong ghé chỗ tôi chơi rồi tôi, Phong và Giang kiếm ít mồi nhâm nhi gọi là để vơi bớt nỗi sầu. Tôi chọn nơi này có lý do riêng: tôi muốn thoát khỏi sự xô bồ của cuộc sống mà nhiều khi người ta cứ lo ganh tị khiến trái tim chai sạn. Giang là cậu bác sĩ thực tập trẻ, đến khám bệnh và xem đây như một chốn ghé chơi. Còn Phong?

Một lần, chừng như không còn kiềm giữ được nỗi niềm đã tràn ra ngoài, Phong cười buồn: “Ngày xưa cô ấy thích nghe em thổi sáo”. Cái ngày xưa ấy cho đến khi cơn mưa về, nước dâng khắp nẻo, tôi mới hiểu được.

***

Rồi mùa mưa đến. Ở vùng núi này, mưa như muốn trút hết nước của bầu trời xuống. Mỗi mùa mưa, cả thị trấn dường như bị cắt đứt với bên ngoài. Không có chuyến xe nào dám vượt qua những con đường băng rừng bởi lũ sẽ đổ về bất chợt, chia cắt cuộc hành trình. Mưa làm dòng sông vốn chỉ lơ đãng trôi trở thành một dòng thác hung hãn, cản trở mọi lối về. Khi đó, mọi người chỉ ngồi trong nhà mà đếm những cơn mưa.

Hôm ấy, Phong vội lắm, như thể anh có một cuộc hẹn không thể nào bỏ qua được. Phong ghé chỗ tôi, bảo: “Cô ấy về rồi”. Chỉ là một câu ngắn gọn nhưng thôi thúc Phong vượt qua mấy chục cây số đường rừng trong mưa. Tôi bảo: “Bây giờ đi rất nguy hiểm”. Bầu trời vẫn mù mây dẫu mưa đã tạnh. Với tình hình này thì lũ trên núi sẽ tràn xuống, làm sao đi được!

Phong nhìn ra hiên, nhắc lại: “Cô ấy đã trở về”.

Sức mạnh của tình yêu không ngăn được bước chân kẻ si tình. 5 năm mưa mù, 5 năm rừng thay lá, 5 năm chập chờn những cơn mơ. 5 năm trùng khơi sóng vẫn vỗ và người kiên trì đợi dẫu đã biết bao người không còn chờ đợi và buông bỏ. 5 năm tiếng sáo của Phong vương trên đồi đã gọi được người về. Đi tìm nhau thôi!

***

Đây là câu chuyện của Phong tôi được nghe kể lại. Cô gái ấy tên Hằng, một cái tên dễ trùng lắp với nhiều cô gái khác. Đó là mối tình duy nhất của Phong. Cả hai đều là trẻ mồ côi cùng lớn lên trong một nhà tình thương. Nhà tình thương ấy nằm trong một dòng tu nhỏ, do các xơ chăm sóc. Hằng ngày, các em nhỏ được đi học, các em lớn học nghề - những nghề đơn giản để khi vào đời có thể tự kiếm sống. Hằng học nghề làm bánh bởi giấc mơ của cô là khi lớn lên sẽ mở một tiệm bánh, bán những chiếc bánh kem thật đẹp. Phong lại mơ mộng mở một cửa tiệm chuyên bán bánh mì. Phong nói: “Mọi người đều ăn bánh mì vào mỗi sáng. Làm thợ bánh mì, mình sẽ không bao giờ sợ đói”. 2 giấc mơ ấy đều thành hiện thực. Hằng trở thành thợ bánh cho một tiệm bánh còn Phong thì thành thợ bánh cho một lò bánh mì. Họ vẫn chưa thể mở tiệm bánh. 18 tuổi, cái tuổi phải bước ra khỏi nhà tình thương, họ bắt đầu con đường tự lập.

Hằng và Phong thuê một căn phòng, dọn về chung sống. Trong căn phòng trọ chật hẹp, họ vẫn nuôi giấc mơ về chung nhà, cả giấc mơ về một đám cưới. Phong sẽ đón Hằng trên chiếc xe mui trần màu trắng. Xe chở chú rể và cô dâu vòng ra biển. Khi ấy, biển đang vỗ về những con sóng nhỏ và trời đất chuyển mùa, những cây bàng dọc theo con đường đang ra lá mơn mởn xanh. Tài thổi sáo của Phong là do anh học được trong những ngày ở trại trẻ mồ côi. Nhưng tài ấy chỉ để giải khuây. Phong ước giá như hồi đó mình học guitar, violin… thì bây giờ đêm đêm có thể đàn kiếm sống. Ở thành phố này, mỗi tuần có biết bao nhiêu tiệc cưới cùng vô vàn sự kiện khai trương, ra mắt… Người ta cần trong không gian ấy một nhạc công chơi đàn và một cây đàn.

Hằng nói: “Mình làm bánh đi bán khắp nơi cũng đủ sống mà”. Thế là họ sắm đồ nghề, ban ngày làm bánh, ban đêm đến các tụ điểm giải trí, có khi ra tận ngoại thành mà bán. Chiếc xe đẩy xinh xinh có chỗ ngồi phía sau của vợ chồng Phong cứ thế đi khắp mọi nơi trong phố. Họ gắn thêm chiếc chuông đồng nhỏ, thỉnh thoảng kêu leng keng cho mọi người biết mà ghé mua. Ước mơ về căn nhà nhỏ, có một tiệm bánh mang tên Giấc Mơ rồi cũng thành hiện thực. Đêm đầu tiên họ về chung nhà, căn phòng nhỏ nhìn xuống con hẻm của một ngôi chợ huyên náo, chẳng có vầng trăng soi nhưng họ vui vì có nhau.

***

Cuộc sống luôn có những biến cố khó lường. Hằng rời Việt Nam vào một ngày mưa. Hôm đó trời mưa dữ dội, như thể nước của cả thế gian này dồn về. Không rõ đó là chuyến đi của hạnh phúc hay một cuộc biệt ly. Một cuộc hôn nhân không tình yêu hình thành theo cách mà bao người vẫn làm khi cần thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của thế gian. Vợ chồng Phong đã có những ngày ngồi bên nhau ở cái quán nhỏ ven sông, nói về chuyện 5 năm sau, nói về hạnh phúc tương lai dưới một mái nhà. Đó là chuyến đi mơ mộng cho tương lai nhưng sự chọn lựa nào cũng vô cùng nghiệt ngã.

Phong không tiễn Hằng. Sân bay không có lời tạm biệt. Hằng đi. Tận bên kia trời xa xôi, có một người đàn ông khác gắn với Hằng bằng tờ hôn thú. Điện thoại của Phong reo nhưng anh không nghe máy. “Em sẽ về sớm, anh giữ gìn sức khỏe” là tin nhắn cuối cùng trước khi Hằng lạc vào trong đám đông.

Dì Hiên - dì ruột của Hằng - nói với Phong: “Đây là cách duy nhất đó con. Phải cứu con Hằng”. Hằng bị bệnh, một căn bệnh quái ác. Có thể bởi Hằng phải thức khuya làm bánh, có thể bởi Hằng phải cùng Phong dầm mưa và chịu những đêm lạnh trong cuộc mưu sinh. Là những ngày bán hết sớm, Phong chở Hằng trên chiếc xe đẩy lướt qua những con phố lấp lóa ánh đèn. Là những ngày bán ế, vợ chồng Phong đến xóm nghèo phát bánh cho trẻ em. Bán ế là hết vốn, là nhìn nắng long lanh trên những hàng cây và nhận ra đó cũng chỉ là nắng của người khác.

Hằng gục ngã trong một đêm hội có đoàn múa lân diễu hành trên phố. “Em đau quá” - Hằng nói thế rồi gục xuống nơi thềm nhà người lạ.

Dì Hiên ở Mỹ đã 20 năm. Dì kiếm Hằng khi Hằng đang nằm trên giường bệnh. Giữa màu trắng của những bức tường bệnh viện, không khí toàn mùi ê te, bác sĩ lắc đầu. Ngay lập tức, theo cách của dì Hiên, một hôn thú giả được hình thành. Hằng sẽ trở thành vợ của một người đàn ông xa lạ. Hôn nhân chỉ là cái cớ để Hằng sang Mỹ. Đó là cách lựa chọn hay là cách bứt lìa? “Vài năm sau, nó sẽ ly hôn và về lại với con” - dì Hiên nói. Chỉ biết rằng sau đó, trên những con đường không còn chiếc xe đẩy bán bánh của đôi vợ chồng nghèo.

Dần dần, thời gian đã làm phai màu nhiều thứ.

***

Ở thị trấn vùng cao này có một dòng sông chảy ngược, nghĩa là dòng sông chạy vòng lên núi rồi mới dùng dằng đưa nước về xuôi. Dòng sông ấy gắn liền câu chuyện hẹn ước của một đôi trai gái yêu nhau. Họ sống trong 2 ngôi làng khác nhau. 2 ngôi làng giữ lời thề không bao giờ cho trai gái 2 bên thành đôi lứa. 2 làng ở 2 bên bờ sông chảy ngược, vì thế mà việc qua lại giữa đôi bờ vô cùng khó khăn. Nhưng, tình yêu vốn dĩ không thể ngăn trở. Những cơn mưa núi làm cho dòng sông chảy ngược, xoắn xít từng ngọn cỏ dại ven bờ như muốn kéo tất cả về xuôi. Con đường về phố phải qua một đập tràn vô cùng nguy hiểm. Đó là nơi vào mùa khô thì yên ả nhưng mùa mưa lại trở thành ngăn trở vì nước từ dòng sông chảy ngược dồn xuống, không phương tiện nào vượt qua được.

Vậy mà Phong vẫn đi. Phong leo lên chiếc xe máy băng qua màn mưa chỉ sau một cuộc điện thoại. Suốt 5 năm ấy là sự chờ đợi dai dẳng, là những buổi chiều buồn tênh ngồi thổi sáo trên đồi.

Tôi vội lấy xe phóng theo Phong. Ừ thì chỉ phóng theo như một cách phòng hờ bất trắc. Còn tại sao mãi 5 năm Hằng mới trở về và tìm cách liên lạc với Phong, chỉ có Hằng trả lời được. Thẳm sâu trong ngày tháng kia có thể có những điều mà nếu không phải là người trong cuộc, không thể nào lý giải.

***

Trong cuộc đời, bạn đã chứng kiến điều kỳ lạ nào chưa? Chính những điều kỳ lạ đã khiến cuộc sống trở nên đáng sống. Và đây cũng là một điều kỳ lạ.

Tôi phóng xe theo Phong. Cuối cùng, Phong đã dừng lại bên đập tràn. Nước lũ đang trôi qua đập giống như những con sóng đang giận dữ. Bên kia đập là Hằng, tôi đoán thế. Một cô gái với chiếc áo mưa màu đỏ, tóc xõa ngang vai ướt đẫm. Một chiếc ô tô gần đó cho biết cô đã thuê xe để đến nơi này. Dòng nước vẫn bung cao. 2 con người ấy đang ở 2 bên dòng nước.

Tiếng cô gọi vang: “Em Hằng đây. Anh Phong ơi, em về rồi”.

Phong rút chiếc sáo tre mang theo bên mình và thổi. Tiếng sáo quen, rất quen. Thì ra đó là bản nhạc Phong vẫn thường thổi cho Hằng nghe.

Tiếng sao cứ loang khắp đất trời. Để rồi trời bỗng ngừng mưa, con nước ngừng chảy. Đập tràn đã lộ ra khoảng đường đi. Con đường loang nước. Con đường giống như mặt gương soi bóng 2 người.

Họ lao về phía nhau.

Khuê Việt Trường